Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Lễ Đôn-Ta của người Khmer Nam Bộ

Lễ Đôn-ta là một trong ba lễ truyền thống lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer Nam bộ. Lễ này còn được gọi là lễ cúng ông bà (Píth-sên đôn-ta). Lễ Đôn-ta được tổ chức trong suốt ba ngày, từ ngày 29-8 cho đến mùng 1-9 âm lịch hàng năm...

Không tưng bừng, náo nức như lễ vào năm mới Chôl Chnăm Thmây, cũng không nhộn nhịp như ngày hội Oóc Omboc, lễ Đolta thâm trầm hơn, mang đậm những sắc thái văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng văn hoá của người Khmer Nam bộ. Đây là lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ đến công ơn ông bà, cha mẹ và người thân, tạ ơn những người đã khuất và cầu phước cho những người còn sống. Qua đó tạo nên sự gắn bó giữa bạn bè, người thân và cả cộng đồng. Lễ có ý nghĩa giống với lễ Vu Lan của người Việt. Chính vì ý nghĩa này mà lễ Đôn-ta còn được gọi là lễ “Xá tội vong nhân”.

Trong ba ngày Đôn-ta có nhiều họat động tín ngưỡng, tôn giáo và các họat động khác biểu hiện phong tục, tập quán diễn ra đan xen với nhau thể hiện bản sắc văn hóa riêng của đồng bào Khmer Nam bộ. Một những nét đặc trưng trong văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer là sự gắn liền giữa các họat động tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật,… với ngôi chùa tại các sóc (khu dân cư có đông đồng bào Khmer tập trung sinh sống). Có thể khẳng định, ngôi chùa là một thiết chế không thể thiếu trong đời sống văn hóa-tinh thần của đồng bào Khmer.

ngày thứ nhất, mỗi gia đình đều dọn dẹp nhà cửa khang trang, lau chùi bàn thờ tổ tiên sạch sẻ, trang hòang lộng lẫy. Sau đó, dọn bốn chén cơm ngon trên mỗi bàn, đốt đèn rồi mời mọi người trong gia đình cùng cúng. Mọi người cùng nhau khấn vái và rót trà để mời linh hồn những họ hàng đã quá cố về nhà ăn uống, nghĩ ngơi. Buổi cúng đầu ngày gọi là cúng tiếp đón. Đến chiều, họ tắm rữa sạch sẽ, cúng linh hồn ông bà và sau đó mời ông bà cùng họ đi vào chùa nghe sư sãi tụng kinh lấy phước. Không chỉ có phần lễ mang nhiều sắc thái tôn giáo, tín ngưỡng được tổ chức ở chùa, ngay tại thiết chế tôn giáo-văn hóa này cũng diễn ra nhiều họat động khác mang tính hội hè, nhất là du-kê (một lọai hình biểu diễn nghệ thuật ca kịch được gọi là “cải lương Khmer Nam bộ” hay “Lò-khol Bác-sắc”), múa Lâm-thol (xem ảnh),… được đồng bào Khmer rất ưa thích. Đây cũng là dịp để các đôi nam nữ thanh niên trong sóc tìm hiểu và vui chơi với nhau. Ngày thứ hai, sau khi đã ở chùa suốt một ngày - đêm, đến chiều mọi người cùng nhau rước linh hồn ông bà từ chùa về nhà để mời cơm và mời ở nhà chơi với con cháu đến khi lễ kết thúc mới trở lại chùa. Ngày cuối, mỗi gia đình lại chuẩn bị thức ăn, bánh trái như ngày đầu để cúng ông bà tại nhà trước khi tiển linh hồn người quá cố ra đi. Vì vậy, buổi cúng này gọi là “cúng tiễn đưa”. Khi mọi nghi thức cúng vái hòan tất thì cũng là lúc lễ Đôn-ta xem như kết thúc.

Ngoài các buổi trình diễn Dukê, Rôbăm, thì Hội đua bò Bảy Núi thực sự độc nhất vô nhị của lễ Dolta. Lễ Dolta và Hội đua bò là những ngày hội lớn mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, không chỉ của riêng đồng bào Khmer, mà là niềm vui chung của bà con người Kinh, Hoa và Chăm.

Lễ Đôn-ta và nói chung là các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ mang đậm dấu ấn của nền văn minh lúa nước. Cho đến nay, đồng bào Khmer khắp vùng châu thổ sông Cửu Long vẫn sống chủ yếu bằng nghề canh tác lúa nước. Chính vì vậy, những yếu tố tạo thành môi trường của nền văn hóa này vẫn được duy trì, tạo điều kiện cho những giá trị đặc trưng của văn hóa Khmer tiếp tục phát triển.

Dự lễ Đôn-ta là một cách rất tốt để tìm hiểu những nét độc đáo trong văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.

(Tổng hợp - Văng Minh Khoa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét