Hàng năm cứ vào ngày 14 và 15 tháng 10
âm lịch, đồng bào Khmer Nam Bộ lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Ok Om Bok còn gọi
là lễ Cúng Trăng hay “Đút cốm dẹp", là một trong ba lễ hội lớn của người Khmer được tổ quy mô ở các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.
Lễ hội Ok Om Bok là lễ hội lớn nhất và được chờ đợi nhiều nhất
trong năm của đồng bào Khmer Nam Bộ. Người Khmer làm lễ Cúng Trăng nhằm cầu
mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng được hưởng hạnh
phúc. Đối với người Khmer, mặt trăng được xem như một vị thần điều tiết mùa
màng, phù hộ cho dân làm kinh tế khá giả trong năm, nên trong ngày này, mọi nhà
đều tham gia lễ Cúng Trăng.
Để chuẩn bị Lễ vật Cúng Trăng gồm cốm dẹp, khoai lang, khoai
môn, trái cây, bánh kẹo... bà con phum sóc chuẩn bị cả tháng trước khi diễn ra
lễ hội. Người Khmer lấy lúa nếp quết thành cốm dẹp cùng các hoa màu khác để làm
lễ vật Cúng Trăng. Tiếp theo là việc dựng cổng tre, trúc. Cổng
được làm bằng hoa lá với 2 cây tre, trúc làm trụ và lá dừa làm vòm ngang. Phía
trên cổng, người Khmer giăng một dây trầu 12 lá được cuốn tròn tượng trưng cho
12 tháng trong năm và một dây cau 7 trái được chẻ vỏ ra như hai cánh con ong,
tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Dưới cổng trúc, các lễ vật Cúng Trăng được
đặt ngay ngắn để tỏ lòng thành kính dâng tới thần Mặt Trăng.
Công việc chuẩn bị lễ vật hoàn tất, vào đêm 14
trăng tròn hoặc 15 khi trăng lên cao (ngày chính của Lễ hội), dân làng tập
trung ở sân chùa hoặc sân nhà, hướng về phía mặt trăng để làm lễ. Lễ có sự tham
gia của cả người cao tuổi và trẻ nhỏ. Chủ lễ là người cao tuổi nhất trong phum,
sóc hoặc trong nhà khấn vái bày tỏ lòng biết ơn của con người đối với thần Mặt
Trăng, xin thần Mặt Trăng tiếp nhận lễ vật và ban cho mọi người sức khỏe, mùa
màng tươi tốt.
Sau khi cúng xong, chủ lễ sẽ đút cốm dẹp cho
các em nhỏ và vỗ nhẹ vào lưng vài lần đồng thời hỏi những mong muốn của các em.
Người khmer tin rằng, các ước muốn của trẻ nhỏ sẽ là niềm tin và động lực cho
người lớn vào năm tới. Theo phong tục cổ truyền
của người Khmer, nghi lễ Cúng Trăng xong cũng là lúc các hoạt động phần hội
được bắt đầu, đặc sắc nhất là tục đua ghe Ngo và thả đèn gió.
Đèn gió được làm từ tre, giấy quyến và dây kẽm. Có 2 loại đèn: vuông và tròn. Khối đèn tròn thông dụng hơn. Bằng những nan tre chuốt nhẵn, người ta làm thành những vòng tròn có đường kính chừng 1 mét. Liên kết những nan tròn ấy lại thành khối trụ có chiều cao chừng 2 mét, tất cả đều được dán kín bằng giấy quyến, đáy đèn để trống và gắn vào đó là 1 “ổ nhện” làm bằng kẽm lớn phủ lớp gòn ta tẩm ướt dầu phộng. Gòn được đốt cháy, nhiều người nâng đèn lên cao. Sức nóng làm giấy căng phồng. Người nâng đèn nương tay theo và cùng buông tay khi lực đẩy không khí nóng trong đèn đủ sức để nâng đèn bay lên, mà không chao nghiêng dễ gây cháy. Khi đèn bay lên cao, tiếng reo hò vỗ tay của người xem rộ lên, tiếng nhạc trổi lên làm vỡ òa cả màn đêm buông xuống. Hàng chục chiếc đèn được thả lên bầu trời, đung đưa theo gió, sáng lấp lóa trên bầu trời thật đẹp. Người ta tin rằng những chiếc đèn đã mang đi những tai ương, rủi ro bất trắc để phum sóc yên bình. Năm nào cũng vậy, lễ thả đèn gió thu hút cả ngàn người xem. Hiện nay xem thả đèn, ngoài người địa phương còn có khách của các tỉnh khác và du khách nước ngoài đến xem.
Đua ghe Ngo diễn ra tưng bừng và náo nhiệt với sự tham dự của rất đông người dân và du khách. Các đội đua đến từ nhiều địa phương trong tỉnh hoặc trong khu vực. Thông thường, các đội tham dự sẽ được chia thành 2 nhóm: nhóm đã được xếp hạng từ mùa giải trước và các nhóm còn lại. Ghe Ngo dài khoảng 22-24m, ngang 1,2 m, có từ 50 đến 60 tay bơi. Ngày nay, do không còn thân gỗ độc mộc lớn để làm nên ghe Ngo được đóng bằng nhiều tấm ván dài ghép lại với nhau. Mũi và lái của ghe đều cong, thân được trang trí hoa văn sặc sỡ, đầu ghe có hình con thú biểu trưng cho ghe của mình. Dưới lườn ghe người ta đặt một cây dài từ đầu đến cuối thân ghe gọi là cây cần câu (đonxanh tuôk) nhằm giữ thăng bằng và làm cho ghe vọt khi bơi.
Dưới sông các đội đua hăng say thi đấu, trên bờ là tiếng reo hò cổ vũ huyên náo của người dân cùng với tiếng cồng chiêng, hát, hò…, đã tạo nên một không khí lễ hội đặc biệt ấn tượng, đua ghe Ngo trở thành một sự kiện văn hóa, thể thao mang tính truyền thống của người dân Khmer.
Lễ hội Ok-om-bok là một lễ hội mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam bộ, thể hiện những khát vọng, tâm hồn và tình cảm của con người đối với con người và con người đối với các đấng bề trên. Việc tổ chức lễ hội Ok-om-bok hằng năm không chỉ là việc bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, giàu tính nhân văn của đồng bào Khmer Nam bộ mà còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách.
(Tổng hợp - Văng Minh Khoa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét