Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Tà Pạ - Nét Đẹp An Giang

Núi Tà Pạ còn gọi là đồi Tà Pạ thuộc xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang; là một trong bảy ngọn núi tạo nên địa danh "Thất Sơn". Núi Tà Pạ tuy nằm cách trung tâm thị trấn Tri Tôn gần một cây số nhưng mang vẻ đẹp hoang sơ và huyền bí


Từ chợ Tri Tôn đi hết đường Nguyễn Trãi một đoạn ngắn (theo hướng về Khu du lịch đồi Tức Dụp), sẽ bắt gặp cây lâm vồ to lớn. Đối diện với gốc cây cổ thụ này là cổng chùa Tà Pạ (người dân hay gọi là chùa Núi hay chùa Chưn Num theo tiếng Khơ-me), nơi bắt đầu con đường chính dẫn lên đồi Tà Pạ.



Núi Tà Pạ cao 120m, chu vi 10.225m nhưng do sau thời gian dài khai thác đá chỉ còn lại độ cao khiêm tốn là đồi Tà Pạ cao 45m. Đồi Tà Pạ mang vẻ đẹp hoang sơ với những vách đá cao như bức tường thành cùng nhiều vạch ngang vạch dọc, nhiều cột đá cao lêu nghêu, những tảng đá đỏ quạch màu gan gà. Trong khoảng đất hoang sơ này có một hố sâu 7m lúc nào cũng có nước xanh màu ngọc bích.






Đường lên đồi rộng rãi, được lát bằng loại đá núi ở địa phương. Có ba lối rẽ trên triền, đi thẳng lên chùa Chưn Num của Phật giáo Nam tông Khmer, đường cặp theo sườn núi cũng lên chùa Chưn Num nhưng vòng ra sau hậu viên chùa, con đường mòn ngoằn ngoèo ở vị trí thấp nhất rẽ sang hồ Tà Pạ. Chùa Chưn Num là ngôi chùa Khmer cổ và cũng gặp nhiều khó khăn trong việc trùng tu, tuy nhiên thời gian gần đây đã phần nào đi vào ổn định. Đường lên chùa có các tượng thần đứng bên vệ đường chỉ tay về lối cần đi cho du khách. Chùa nằm trên đỉnh cao ráo, vắng vẻ. Đứng ở hậu liêu chùa nhìn về phía những cánh đồng xanh rì dưới thấp, những dãy núi đồi trập trùng xa xa, mây trên núi và sương khói của đồng bãi hòa quyện vào nhau làm khung cảnh buổi trưa biên giới mờ mờ, kỳ ảo.

Đứng trên chỏm đá cao trên hồ nhìn sang bên kia là sườn núi Dài xanh rì đón gió, phía dưới là những cánh đồng xen lẫn giữa các mảng vàng, xanh, cao, thấp… Xa xa là những hàng cây chạy dài chừng như không bao giờ tận. Đá vẫn lổm chổm dưới chân, nắng vẫn nun dài bên bờ tóc, vậy mà nơi đây gió lại thổi rì rù như xóa đi bao ưu phiền, bao bộn bề của những người lữ khách. Một mái nhà ở dưới triền, có trồng rau, có nuôi heo, gà, giống như một trang trại nhỏ, có thể khiến người nào hay mơ mộng tưởng là một túp lều của vị tao nhân ẩn sĩ nào đó muốn lánh chốn phồn hoa.



Bài: Quang Thoại tổng hợp - Ảnh Quang Thoại



Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

CHÂU ĐỐC - "VƯƠNG QUỐC MẮM"

Ở ĐBSCL, có những làng nghề thịnh vượng hàng trăm năm. Nhưng cũng có những làng nghề, vì chiến tranh hay vì nhiều nguyên nhân khác, tạm lắng xuống vài mươi năm, nay đang phục hồi trở lại như nghề làm mắm tôm chà ở Gò Công (Tiền Giang), nghề làm trống ở Bình An (Long An), nghề nuôi và khai thác ốc gạo ở Phú Đa (Bến Tre)… 

Gọi Châu Đốc là vương quốc mắm, không phải chỉ bởi làng nghề đã được hình thành từ khá lâu đời, mà còn bởi đây là nơi sản xuất các loại mắm cá hàng đầu ở miền Nam với số lượng thành phẩm hàng trăm ngàn tấn mỗi năm. Nếu bạn sinh ra và lớn lên ở miền Nam, nhất là ở ĐBSCL, mà chưa từng nếm qua món mắm nào của Châu Đốc thì quả là rất thiệt thòi. Trong nền văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây mắm có một phong vị rất riêng.

Là thành phố trực thuộc tỉnh An Giang, Châu Đốc có địa hình khá rộng lớn, nằm ở phía Tây Nam Tổ quốc, có đường biên giới Tây Bắc giáp với Campuchia, Nam giáp huyện Châu Phú, Tây giáp huyện Tịnh Biên và Đông giáp huyện Phú Tân.

Với dân số chỉ hơn 100.000 người, nhưng Châu Đốc luôn nhộn nhịp bởi có nhiều du khách tìm đến những điểm du lịch nổi tiếng nằm quanh dãy Thất Sơn huyền bí, với nhiều huyền thoại gắn liền với quá trình chinh phục thiên nhiên của ông cha ta ngày xưa trên đường đi mở cõi.

Làm mắm cá là một nghề không khó đối với người phương Nam. Từ xưa, khi lưu dân từ miền Bắc, miền Trung tìm vào đất này đã phát hiện ra đây là vùng cá tôm nhiều vô kể. Đánh bắt ăn không hết, họ nghĩ ra cách phơi khô hoặc làm mắm để ăn dần.

Đây có lẽ là một trong những yếu tố làm hình thành làng nghề làm mắm, tập trung phần nhiều ở phường Núi Sam.

Một yếu tố nữa cũng rất thuận lợi để phát triển nghề làm mắm là do Châu Đốc có vị trí địa lý rất thuận lợi. Châu Đốc nằm ở ngã ba sông Hậu, một trong hai nhánh của dòng Mê-Kông hùng vĩ đổ vào Việt Nam. Đây là dòng sông nổi tiếng thế giới không chỉ vì độ dài, lưu vực rộng, mà còn nổi tiếng vì trữ lượng cá trong tự nhiên rất lớn.

Hàng năm, hàng ngàn chủng loại tôm cá theo dòng sông này vào nước ta rồi sinh sản tự nhiên theo các đầm phá, kênh rạch. Người dân khai thác bằng nhiều hình thức đánh bắt lưu truyền từ xưa đến nay.

Cá để làm mắm có thể nói là có quanh năm, nhưng nhiều nhất là mùa cá về theo nước lũ hàng năm. Vào khoảng tháng 7, tháng 8 cho đến cuối mùa lũ, khoảng tháng 10, tháng 11, là thời điểm lý tưởng cho người dân vùng lũ đánh bắt các loại cá trưởng thành.

Theo bà con làm nghề ủ mắm ở Châu Đốc cho biết thì bất cứ loài cá nào cũng có thể làm mắm được. Nhưng theo kinh nghiệm của làng nghề thì chỉ có một số loài cá như cá lóc, cá trèn, cá sặc, cá chốt, cá linh... làm mắm là thơm ngon, do thịt cá có độ dai của sớ, khi đem làm mắm mới đạt chuẩn của mắm ngon. Loài cá nào thịt bở thì mắm sẽ không ngon và tất nhiên không có tên trong vương quốc mắm Châu Đốc ngày nay.

Mắm có bán ở khắp nơi, rất tiện lợi cho du khách, nhưng tập trung nhất là ở chợ Châu Đốc. Có thể nói, chợ Châu Đốc dành đến hơn 50% diện tích cho bà con mở các sạp hàng bán mắm, đủ các nhãn hiệu nổi tiếng như: bà giáo Khỏe, cô Tư Ấu, Phước Lộc, Út Cảnh...

Ở đây có đủ các loại mắm thật hấp dẫn. Mắm cá gì thì gọi tên cá đó. Nhưng có một loại mắm đặc biệt có tên gọi ngày xưa là mắm ruột. Đây là loại mắm chỉ làm toàn bằng ruột cá lóc, rất đắt tiền. Vì hiếm, nên loại mắm này chỉ dành cho giới quý tộc, quan lại... Ngày nay, nếu có thì chỉ để dành ăn trong gia đình. Nhưng vì mắm ruột rất ngon, nên dựa trên cách chế biến này, bà con làng nghề thái nhỏ thịt mắm cá lóc, trộn vào dưa đu đủ, cộng thêm một vài bí quyết nghề nghiệp khác, làm thành món mắm thái có hương vị rất độc đáo. Ngày nay, mắm thái trở thành món mắm hàng đầu trong các loại mắm ở Châu Đốc.

Sự đa dạng các nhãn hiệu mắm ở Châu Đốc

Ngày nay, mắm Châu Đốc thực sự chinh phục mọi giới. Từ giàu đến nghèo, từ bình dân đến trí thức, ai ai cũng biết ăn mắm. Mắm có ở mọi nơi, mọi nhà và trở thành món ăn dân gian mang hồn dân tộc, được xem là "quốc hồn, quốc túy", món ăn hàng đầu luôn được nhắc đến trong văn hóa ẩm thực phương Nam.

Có nhiều cách để ăn món mắm cá Châu Đốc. Nếu các bạn thích ăn món lẩu mắm, mắm kho thì dùng mắm cá sặc, cá linh. Đây là món mắm mang đậm phong vị ẩm thực Nam bộ, bởi món này ăn vào mùa nước nổi cùng với các loại rau đồng như bông súng, điên điển, cù nèo, rau dừa nước... thì cho dù có đi xa đến đâu, bạn cũng sẽ không bao giờ quên được cái hương vị đậm đà, quyến rũ của nó.

Còn nếu như bạn thích món mắm chưng thì đương nhiên phải dùng mắm cá lóc chưng với thịt băm nhuyễn cùng với củ hành đỏ, hành tây và trứng. Chỉ cần một ít mắm chưng cùng dưa leo, cà chua xắt mỏng là đã có ngay món cơm dĩa gọn gàng, móm mà chúng ta cũng thường gặp trong các quán cơm bình dân.

Mắm thái chính là món dễ ăn nhất và hấp dẫn nhất, vì cách ăn khá đơn giản. Chỉ cần vài trăm gram mắm thái, bún, thịt ba rọi luộc, rau sống và bánh tráng là chúng ta có thể ăn ngay mà không phải chế biến gì cả.

Mắm Cua Đồng, những con cua nướng chín vàng, tách mai, tách yếm, bỏ ngoe càng. Một nắm lá é trắng (hương nhu trắng). Một ít nước mắm ngon, quậy thêm lưng thìa bột ngọt. Và... ớt; rất nhiều ớt. Ớt càng cay càng tốt. Cay đến mức nào mà thực khách còn có thể chịu đựng - dẫu rằng đôi lúc vừa ăn vừa “khóc”... Đó là món mắm cua đồng.

Mắm cua đồng không lạ lẫm gì với người dân quê. Những con cua đồng giã nhỏ, quết nhuyễn cùng với ớt đỏ, lá é xanh; sau đó cho mắm bột ngọt vào trộn lên sền sệt - đó là món ăn thường bữa của nhà nghèo. Mâm cơm dọn lên; nồi cơm trắng bốc khói; tô mắm cua đồng xanh um, thơm phức. Chẳng cần thịt cá lôi thôi, nếu có thêm rổ rau sống cũng tốt, bằng không, cứ việc “liệu cơm” mà “gắp mắm”. Nhà quê, cua đồng lúc nào cũng sẵn

Bài: Sưu tầm - Ảnh Quang Thoại

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Lễ "Sớt Bát" ở chùa Sà- Rách

Lễ "Sớt Bát" thực ra là ngày Đại Lễ Giỗ của tất cả các vị Hòa Thượng ở các chùa Khmer vùng Tri Tôn, Tịnh Biên . Cứ 5 năm các chùa Khmer tổ chức Lễ Giỗ một lần để tưởng nhớ các vị Hòa thượng , trụ trì các chùa Khmer, những người có công xây dựng các chùa Khmer từ lâu đời . Họ không làm giổ từng vị riêng mà làm giỗ chung và chọn một ngôi chùa ở Tri Tôn hay Tịnh Biên để tiến hành lễ, năm năm 1 lần
Lần này chùa Sà-Rách , xã Vĩnh Trung , huyện Tịnh Biên đượợc vinh dự chọn tổ chức Đại Lễ 
........
Chùa Sà-Rách là một ngôi chuà lớn , khá đẹp thuộc xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, An Giang. ( nếu đi đường tắt sẽ đi ngang cây thốt nốt sinh đôi, băng đồng , cách quán thốt nốt Hồng Vân # 3km )
Phía trước chùa có hồ nước trồng hoa súng , in bóng các Stupa xuồng hồ. Đây là nơi bạn có thể chụp rất nhiều ảnh đẹp ;)

...................

Nghi thức quan trọng trong Đại Lễ này là "Sớt Bát"

Tôi sẽ nói rõ hơn về Lễ "Sớt Bát" : là sớt những phần cơm vào bát của sư Khmer.
Các vị sư sẽ xếp hàng , đi quanh chùa , tay cầm "bát" đựng cơm, lâm râm đọc kinh cầu nguyện . Bà con Khmer sẽ xếp hàng 2 bên dùng muỗng múc cơm của mình ( nấu ở nhà đem lại ) sớt vô bát của Sư. 
Ý nghĩa của việc làm này đối với người Khmer là " xin phước lành" cho mình và gia đình, các Sư nhận cơm là đã "Ban Phước " cho họ 

.........

Năm nay chùa Sà-Rách đón hơn 260 các vị sư Khmer từ các ngôi chùa ở Tri Tôn , Tịnh Biên về dự.
Có hàng vạn bà con người Khmer đến chùa. Họ dùng gạo thật ngon nấu cơm và làm nhiều món ăn ngon để dâng lên các vị Sư. Họ nấu các món thịt kho, đồ xào , làm caác loại bánh bò, bánh tét , bánh ít, nấu xôi, nấu chè... đem đến cúng chùa. Có người chỉ đem đến dâng cho chùa 1 nãi chuối, một rỗ khoai mì,.... tất cả đều được nhận hết. Những người phụ nữ sẽ phân loại, để chung tất cả các thức ăn , rồi chia vào các mâm : các ông Cả sẽ được dọn riêng với các món ăn ngon nhất. sau đó đến các ông lục. Cuối cùng tất cả thức ăn còn lại sẽ chia cho những người đến cúng chùa ......


Từ sáng sớm, Bà con Khmer từ khắp nơi về dự Lễ, họ đi trên những chiếc xe bò, xe ngựa

Bà con Khmer từ khắp nơi về dự Lễ. Mỗi nhà nấu rất nhiều thức ăn ngon đem đến cúng cho Chùa . Ngoài ra họ chọn gạo ngon nhất nấu cơm để làm Lễ "Sớt Bát "

Các thức ăn được gom lại phân loại: đồ kho, đồ xào , bánh, trái cây , chè , xôi ......

Dọn hơn 260 phần ăn cho các vị Sư

Nghi lễ cúng của họ rất đơn giản

Các ông Lục ở các chùa khắp nơi về dự Lễ

Mỗi khi có người cúng dường , các À Cha xướng tên của họ lên và đọc cầu nguyện cho gia đình người cúng dường

Trong khi chờ đến giờ "Sớt Bát" các ông Lục được chiêu đãi sữa đậu nành, chè đá đậu xanh



Chuẩn bị đến phần Lễ "Sớt Bát" 


Các phần cơm đã chuẩn bị cho nghi thức "Sớt Bát"

Lễ "Sớt Bát":
Dẫn đầu đoàn sư là hòa thượng trụ trì , lớn nhất ở các chùa Khmer Tri Tôn - Tịnh Biên 
Bà con Khmer múc những muỗng cơm của mình vào bát của vị trụ trì
Vị Sư vừa đi vừa dọc kinh. 
Bà con vừa "Sớt Bát " vừa đọc kinh rất thành kính

Tiếp theo là các Sư Cả của các Chùa Khmer — cùng với Sư Cả chùa Sđach Tot




Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Lễ hội Ok Om Bok

Hàng năm cứ vào ngày 14 và 15 tháng 10 âm lịch, đồng bào Khmer Nam Bộ lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Ok Om Bok còn gọi là lễ Cúng Trăng hay “Đút cốm dẹp", là một trong ba lễ hội lớn của người Khmer được tổ quy mô ở các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

Lễ hội Ok Om Bok là lễ hội lớn nhất và được chờ đợi nhiều nhất trong năm của đồng bào Khmer Nam Bộ. Người Khmer làm lễ Cúng Trăng nhằm cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng được hưởng hạnh phúc. Đối với người Khmer, mặt trăng được xem như một vị thần điều tiết mùa màng, phù hộ cho dân làm kinh tế khá giả trong năm, nên trong ngày này, mọi nhà đều tham gia lễ Cúng Trăng.


Để chuẩn bị Lễ vật Cúng Trăng gồm cốm dẹp, khoai lang, khoai môn, trái cây, bánh kẹo... bà con phum sóc chuẩn bị cả tháng trước khi diễn ra lễ hội. Người Khmer lấy lúa nếp quết thành cốm dẹp cùng các hoa màu khác để làm lễ vật Cúng Trăng. Tiếp theo là việc dựng cổng tre, trúc. Cổng được làm bằng hoa lá với 2 cây tre, trúc làm trụ và lá dừa làm vòm ngang. Phía trên cổng, người Khmer giăng một dây trầu 12 lá được cuốn tròn tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một dây cau 7 trái được chẻ vỏ ra như hai cánh con ong, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Dưới cổng trúc, các lễ vật Cúng Trăng được đặt ngay ngắn để tỏ lòng thành kính dâng tới thần Mặt Trăng.

Công việc chuẩn bị lễ vật hoàn tất, vào đêm 14 trăng tròn hoặc 15 khi trăng lên cao (ngày chính của Lễ hội), dân làng tập trung ở sân chùa hoặc sân nhà, hướng về phía mặt trăng để làm lễ. Lễ có sự tham gia của cả người cao tuổi và trẻ nhỏ. Chủ lễ là người cao tuổi nhất trong phum, sóc hoặc trong nhà khấn vái bày tỏ lòng biết ơn của con người đối với thần Mặt Trăng, xin thần Mặt Trăng tiếp nhận lễ vật và ban cho mọi người sức khỏe, mùa màng tươi tốt.

Sau khi cúng xong, chủ lễ sẽ đút cốm dẹp cho các em nhỏ và vỗ nhẹ vào lưng vài lần đồng thời hỏi những mong muốn của các em. Người khmer tin rằng, các ước muốn của trẻ nhỏ sẽ là niềm tin và động lực cho người lớn vào năm tới. Theo phong tục cổ truyền của người Khmer, nghi lễ Cúng Trăng xong cũng là lúc các hoạt động phần hội được bắt đầu, đặc sắc nhất là tục đua ghe Ngo và thả đèn gió

Đèn gió được làm từ tre, giấy quyến và dây kẽm. Có 2 loại đèn: vuông và tròn. Khối đèn tròn thông dụng hơn. Bằng những nan tre chuốt nhẵn, người ta làm thành những vòng tròn có đường kính chừng 1 mét. Liên kết những nan tròn ấy lại thành khối trụ có chiều cao chừng 2 mét, tất cả đều được dán kín bằng giấy quyến, đáy đèn để trống và gắn vào đó là 1 “ổ nhện” làm bằng kẽm lớn phủ lớp gòn ta tẩm ướt dầu phộng. Gòn được đốt cháy, nhiều người nâng đèn lên cao. Sức nóng làm giấy căng phồng. Người nâng đèn nương tay theo và cùng buông tay khi lực đẩy không khí nóng trong đèn đủ sức để nâng đèn bay lên, mà không chao nghiêng dễ gây cháy. Khi đèn bay lên cao, tiếng reo hò vỗ tay của người xem rộ lên, tiếng nhạc trổi lên làm vỡ òa cả màn đêm buông xuống. Hàng chục chiếc đèn được thả lên bầu trời, đung đưa theo gió, sáng lấp lóa trên bầu trời thật đẹp. Người ta tin rằng những chiếc đèn đã mang đi những tai ương, rủi ro bất trắc để phum sóc yên bình. Năm nào cũng vậy, lễ thả đèn gió thu hút cả ngàn người xem. Hiện nay xem thả đèn, ngoài người địa phương còn có khách của các tỉnh khác và du khách nước ngoài đến xem.

Đua ghe Ngo diễn ra tưng bừng và náo nhiệt với sự tham dự của rất đông người dân và du khách. Các đội đua đến từ nhiều địa phương trong tỉnh hoặc trong khu vực. Thông thường, các đội tham dự sẽ được chia thành 2 nhóm: nhóm đã được xếp hạng từ mùa giải trước và các nhóm còn lại. Ghe Ngo dài khoảng 22-24m, ngang 1,2 m, có từ 50 đến 60 tay bơi. Ngày nay, do không còn thân gỗ độc mộc lớn để làm nên ghe Ngo được đóng bằng nhiều tấm ván dài ghép lại với nhau. Mũi và lái của ghe đều cong, thân được trang trí hoa văn sặc sỡ, đầu ghe có hình con thú biểu trưng cho ghe của mình. Dưới lườn ghe người ta đặt một cây dài từ đầu đến cuối thân ghe gọi là cây cần câu (đonxanh tuôk) nhằm giữ thăng bằng và làm cho ghe vọt khi bơi.
Dưới sông các đội đua hăng say thi đấu, trên bờ là tiếng reo hò cổ vũ huyên náo của người dân cùng với tiếng cồng chiêng, hát, hò…, đã tạo nên một không khí lễ hội đặc biệt ấn tượng, đua ghe Ngo trở thành một sự kiện văn hóa, thể thao mang tính truyền thống của người dân Khmer.
Lễ hội Ok-om-bok là một lễ hội mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam bộ, thể hiện những khát vọng, tâm hồn và tình cảm của con người đối với con người và con người đối với các đấng bề trên. Việc tổ chức lễ hội Ok-om-bok hằng năm không chỉ là việc bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, giàu tính nhân văn của đồng bào Khmer Nam bộ mà còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách.
(Tổng hợp - Văng Minh Khoa)

Lễ Đôn-Ta của người Khmer Nam Bộ

Lễ Đôn-ta là một trong ba lễ truyền thống lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer Nam bộ. Lễ này còn được gọi là lễ cúng ông bà (Píth-sên đôn-ta). Lễ Đôn-ta được tổ chức trong suốt ba ngày, từ ngày 29-8 cho đến mùng 1-9 âm lịch hàng năm...

Không tưng bừng, náo nức như lễ vào năm mới Chôl Chnăm Thmây, cũng không nhộn nhịp như ngày hội Oóc Omboc, lễ Đolta thâm trầm hơn, mang đậm những sắc thái văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng văn hoá của người Khmer Nam bộ. Đây là lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ đến công ơn ông bà, cha mẹ và người thân, tạ ơn những người đã khuất và cầu phước cho những người còn sống. Qua đó tạo nên sự gắn bó giữa bạn bè, người thân và cả cộng đồng. Lễ có ý nghĩa giống với lễ Vu Lan của người Việt. Chính vì ý nghĩa này mà lễ Đôn-ta còn được gọi là lễ “Xá tội vong nhân”.

Trong ba ngày Đôn-ta có nhiều họat động tín ngưỡng, tôn giáo và các họat động khác biểu hiện phong tục, tập quán diễn ra đan xen với nhau thể hiện bản sắc văn hóa riêng của đồng bào Khmer Nam bộ. Một những nét đặc trưng trong văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer là sự gắn liền giữa các họat động tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật,… với ngôi chùa tại các sóc (khu dân cư có đông đồng bào Khmer tập trung sinh sống). Có thể khẳng định, ngôi chùa là một thiết chế không thể thiếu trong đời sống văn hóa-tinh thần của đồng bào Khmer.

ngày thứ nhất, mỗi gia đình đều dọn dẹp nhà cửa khang trang, lau chùi bàn thờ tổ tiên sạch sẻ, trang hòang lộng lẫy. Sau đó, dọn bốn chén cơm ngon trên mỗi bàn, đốt đèn rồi mời mọi người trong gia đình cùng cúng. Mọi người cùng nhau khấn vái và rót trà để mời linh hồn những họ hàng đã quá cố về nhà ăn uống, nghĩ ngơi. Buổi cúng đầu ngày gọi là cúng tiếp đón. Đến chiều, họ tắm rữa sạch sẽ, cúng linh hồn ông bà và sau đó mời ông bà cùng họ đi vào chùa nghe sư sãi tụng kinh lấy phước. Không chỉ có phần lễ mang nhiều sắc thái tôn giáo, tín ngưỡng được tổ chức ở chùa, ngay tại thiết chế tôn giáo-văn hóa này cũng diễn ra nhiều họat động khác mang tính hội hè, nhất là du-kê (một lọai hình biểu diễn nghệ thuật ca kịch được gọi là “cải lương Khmer Nam bộ” hay “Lò-khol Bác-sắc”), múa Lâm-thol (xem ảnh),… được đồng bào Khmer rất ưa thích. Đây cũng là dịp để các đôi nam nữ thanh niên trong sóc tìm hiểu và vui chơi với nhau. Ngày thứ hai, sau khi đã ở chùa suốt một ngày - đêm, đến chiều mọi người cùng nhau rước linh hồn ông bà từ chùa về nhà để mời cơm và mời ở nhà chơi với con cháu đến khi lễ kết thúc mới trở lại chùa. Ngày cuối, mỗi gia đình lại chuẩn bị thức ăn, bánh trái như ngày đầu để cúng ông bà tại nhà trước khi tiển linh hồn người quá cố ra đi. Vì vậy, buổi cúng này gọi là “cúng tiễn đưa”. Khi mọi nghi thức cúng vái hòan tất thì cũng là lúc lễ Đôn-ta xem như kết thúc.

Ngoài các buổi trình diễn Dukê, Rôbăm, thì Hội đua bò Bảy Núi thực sự độc nhất vô nhị của lễ Dolta. Lễ Dolta và Hội đua bò là những ngày hội lớn mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, không chỉ của riêng đồng bào Khmer, mà là niềm vui chung của bà con người Kinh, Hoa và Chăm.

Lễ Đôn-ta và nói chung là các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ mang đậm dấu ấn của nền văn minh lúa nước. Cho đến nay, đồng bào Khmer khắp vùng châu thổ sông Cửu Long vẫn sống chủ yếu bằng nghề canh tác lúa nước. Chính vì vậy, những yếu tố tạo thành môi trường của nền văn hóa này vẫn được duy trì, tạo điều kiện cho những giá trị đặc trưng của văn hóa Khmer tiếp tục phát triển.

Dự lễ Đôn-ta là một cách rất tốt để tìm hiểu những nét độc đáo trong văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.

(Tổng hợp - Văng Minh Khoa)

Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

Lễ hội đua bò Bảy Núi

Lễ hội đua bò Bảy Núi là một lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer, Nam bộ. Mang đậm nét bản sắc văn hóa dân gian, trong đó có lễ hội đua bò kéo bừa truyền thống là nét sinh hoạt văn hóa, môn thể thao độc đáo ở vùng Bảy Núi, An Giang.Lễ hội đua bò được tổ chức cùng lễ hội Đôn ta (lễ cúng ông bà), 29-8 đến mùng 1-9 âm lịch (nếu tháng thiếu thì từ 29-8 đến mùng 2-9 âm lịch).

Tổ chức hội đua bò truyền thống. Để chuẩn bị cho cuộc đua bò, họ chọn một khoảnh ruộng bằng phẳng, chiều dài chừng 200 m, ngang 100 m có nước xăm xắp, được "trục" xới nhiều lần cho có độ trơn của bùn, bốn bên có bờ bao và điểm đích có đoạn đường trống để làm độ dừng an toàn cho bò. Đoạn đường đua chính chỉ cần 120m theo khoảnh ruộng cặp sát bờ bao. Nơi xuất phát được cắm 2 cây cờ màu xanh, đỏ mỗi cây cách nhau 5m, và tại điểm đích cũng vậy. Đôi bò nào đứng ở vị trí cây cờ màu gì thì điểm đích cũng theo màu của cây cờ đó.

Trước khi vào cuộc đua, họ chọn từng đôi bò với nhau hoặc bốc thăm và thoả thuận một số qui định cần thiết như ai sẽ đi trước, đi sau... Nhưng thông thường đôi đi sau có phần ưu thế hơn. Nếu trong khi đua, đôi bò nào chạy tạt ra khỏi đường đua sẽ bị loại và đôi bò sau giẫm lên giàn bừa của đôi bò trước là thắng cuộc. Còn người điều khiển phải đứng thật vững nếu bị ngã hoặc rơi ra khỏi giàn bừa coi như thua cuộc.

Từng đôi bò được ách vào một chiếc bừa đặc biệt, gọng bừa là bàn đạp gồm một tấm gỗ rộng 30 cm, dài 90 cm, bên dưới là răng bừa. Người điều khiển bò cầm roi mây hoặc khúc gỗ tròn vừa tay độ 3 cm, đầu có tra cây đinh nhọn - cây xà-lul. Khi bắt đầu lệnh xuất phát của trọng tài, người điều khiển chích mạnh cây xà-lul vào mông con bò, bò bị đau phóng nhanh về phía trước, quan trọng là phải chích cho đều cả hai con thì vận tốc của đôi bò mới quyết liệt và hấp dẫn. Điều này có khác với đua ngựa ở chỗ là mỗi người cưỡi một con, ai về đích trước sẽ thắng cuộc.

Sáng sớm bà con đã có mặt đông đảo tại địa điểm đua bò. Có người ở cách xa hàng vài cây số cũng mang theo cả xoong, nồi, mắm, muối nấu ăn tại chỗ để xem cho trọn vẹn cuộc đua. Chỗ xem cũng không cần cầu kỳ như xem bóng đá, đua ngựa hay một số môn thể thao khác, chỉ cần đứng ở vị trí hơi cao so với mặt sân đua hay leo lên bờ bao là đủ. Từ lúc cuộc đua bắt đầu cho đến kết thúc không khí lúc nào cũng tưng bừng và hào hứng, tiếng vỗ tay, reo hò, sôi nổi cổ động dành cho những người điều khiển các đôi bò giỏi hoặc những pha về đích gay go, quyết liệt. Làm cho các phum, sóc sôi nổi trong dịp lễ hơn.


Một số hình ảnh lễ hội đua bò Bảy Núi!











(Bài: Văng Minh Khoa tổng hợp - Ảnh: Văng Minh Khoa)