An Giang – vùng đất nổi tiếng của dân Việt từng được sách sử gọi là “chiếc lá dâu cuối cùng” của thời “tằm thực” do vua Chân Lạp dâng tặng hồi thế kỷ 18. Một mảnh đất được gọi là “địa linh sanh nhân kiệt” của miền Nam. An Giang có thất sơn hùng vĩ, có làng Chàm, làng Miên, có lễ hội Vía Bà Chúa Xứ sau Tết Âm Lịch cấp quốc gia. Là mảnh đất đặc biệt hội tụ của bốn dân tộc Kinh – Hoa – Chăm – Khmer giàu bản sắc văn hoá.
Khi nước lũ về thì công việc đồng áng của người nông dân đã xong, và họ bắt đầu công việc mùa nước là chài cá, giăng câu, giăng lưới. Nếu vào mùa khô, An Giang là xứ nóng bụi thì từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm, các cánh đồng chìm trong biển nước. Những năm lũ lớn, quốc lộ cũng chìm trong nước luôn. Đặc biệt là phong cảnh lại đẹp dịu dàng, hoa điên điển rực một màu vàng trên mặt nước. Mùa nước nổi cũng có thể là mùa đói kém của nghề ruộng, thì tôm cá thay thế thóc gạo. Người nông dân cầm cày kéo bừa nay trở thành ngư phủ quăng chài thả lưới. Ruộng đồng hôm trước thì hôm nay khắp nơi nhan nhản thuyền bè giăng câu thả lưới. Đến khi con nước lũ lụt bắt đầu rút, lại là lúc cá tôm sinh sôi nảy nở trên các cánh đồng ngập nước ấy và chúng tìm đường “hồi hương” về sông, mở màn cho đại vụ cao trào bắt cá của dân An Giang. Mùa này thì cá nhiều lắm, ăn không hết, làm mắm. Mắm Châu Đốc có tiếng miền Nam.
Và còn rất nhiều nét đẹp nhưng trong khả năng có hạn mình chỉ có thể nói nhiêu đây, nếu có dịp mời bạn về quê hương An Giang của tôi để trải nghiệm. Mình còn một điều nữa là khi nói về mùa nước lũ ở quê tôi chắc hẳn bạn sẽ nghĩ tới hình ảnh tan hoang, lo đói no không xong, chứ đẹp đẽ gì, mình cũng xin giải thích là: Trước đây quê mình gọi là mùa nước lên, nay thì báo chí hay gọi lũ đồng bằng, nhưng miền tây không có lũ Ống hay lũ quét … không lo đâu! dân mình giờ thích lũ hơn, càng to thì đánh bắt hay nuôi trồng thủy sản ngon lành, phù sa lại nhiều cho mùa lúa tới!
Video: Khoảnh khắc mùa nước nổi! (tác giả: Duy An)
(Bài và ảnh: Văng Minh Khoa - Video clip: Duy An)